CÁCH CẦM VỢT GIAO BÓNG VÀ VOLLEY

22/01/2015 | Thông tin hữu ích

CÁCH CẦM VỢT GIAO BÓNG VÀ VOLLEY

• Giao bóng Cách cầm vợt để giao bóng phụ thuộc vào kiểu giao bóng. Có 5 kiểu giao bóng quen thuộc: Flat, Topspin, Slice, Topspin-slice, American Twist và một số kiểu khác ít thông dụng hơn như Underarm, Reverse Slice... Nhưng dù giao bóng kiểu nào thì bạn cũng chỉ sử dụng 3 cách cầm vợt: Eastern Backhand (số 1), Continental (số 2), Eastern Forehand (số 3). Với những người mới tập, khi đưa vợt bảo họ thực hiện động tác giao bóng thì theo bản năng, họ sẽ cầm vợt theo cách số 3. Đây là cách cầm vợt kiểu “đập ruồi”, cách cầm vợt này hạn chế sự linh hoạt cho cổ tay và lực giao bóng không mạnh. Cách cầm vợt số 1 thích hợp cho những cú giao bóng xoáy nhưng cách này rất khó tập. Phải đạt đến trình độ nhất định bạn mới có thể chuyển sang tập cách cầm vợt này. Cách cầm vợt số 2 là cách cầm vợt thông dụng nhất để giao bóng, tạo ra cú giao bóng vừa mạnh, vừa tạo được sự linh hoạt cho cổ tay.


Các kiểu giao bóng:


Kiểu Flat: tung bóng hướng ra phía trước người, đánh thẳng vào bóng, không xoáy, trái bóng đi rất mạnh cắm sang phần sân bên kia. Các tay vợt chuyên nghiệp thường dùng kiểu này để giao bóng thứ nhất. Cầm vợt số 2 hoặc số 3 để thực hiện cú giao bóng kiểu này.

Kiểu Topspin: tung bóng ngay trên đỉnh đầu mình, đánh vào phần trên trái bóng để tạo xoáy. Kiểu này ít mắc lưới hơn so với kiểu flat được các tay vợt sử dụng để giao bóng thứ hai cho an toàn. Tuy không mạnh như giao bóng flat nhưng độ xoáy của cú giao bóng này cũng gây khó dễ cho đối thủ. Bóng sau khi chạm mặt sân bên kia thường nảy lên cao khiến đối thủ khó trả bóng tốt. Cầm vợt số 1 hoặc số 2 thực hiện cú giao bóng kiểu này.

Kiểu Slice: tung bóng nhiều sang phía bên phải bạn (nếu bạn cầm vợt bằng tay phải), đánh vào cạnh bên phải của trái bóng để cho bóng xoáy và bay xa ra phía “mang cá” sân đối phương. Vì đánh vào cạnh trái bóng nhiều nên người ta thường gọi cú này là “lột vỏ quả cam”. Cầm vợt số 1 hoặc số 2 thực hiện cú giao bóng kiểu này.

Kiểu Topspin-slice: là kết hợp giữa hai kiểu Topspin và Slice. Điềm tiếp xúc bóng là điểm 45 độ. Kiểu này tạo ra 2 loại xoáy. Cầm vợt số 1 hoặc số 2.

Kiểu American Twist: khá giống kiểu topspin-slice. Cổ tay khi tiếp xúc bóng “ngắt” nhiều hơn. Kiểu này tạo ra 2 loại xoáy rất lạ: chưa tiếp đất, bóng xoáy sang trái; sau tiếp đất, bóng xoáy sang phải. Cầm vợt số 1 thông dụng hơn số 2.
Volley
Đối với những người mới bắt đầu chơi, vì giống như một cái máy chưa được lập trình bao giờ, họ sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi giữa cách cầm Eastern Forehand (số 3) và Eastern Backhand (số 1) khi đánh volley bên phải và bên trái, vì hai cách cầm này cho phép mặt vợt vuông góc với bóng.
Tuy nhiên khi trình độ bạn lên, bạn gặp những đối thủ mạnh hơn, trong những cuộc đánh bóng qua lại nhanh, bạn không có thời gian thay đổi cách cầm. Vì vậy, cách cầm Continental (số 2) là cách mà bạn nên học để sử dụng trên lưới cho cả hai cú đánh volley bên phải và bên trái.
Với cách cầm số 2, mặt vợt của bạn sẽ ngửa ra phía sau tạo một góc 45 độ so với phương thẳng đứng ở cả hai cú volley trái   và phải. Điều này giúp bạn làm giảm độ xoáy của bóng và khống chế được bóng.

Tác giả bài viết: HLV TRẦN ĐỨC QUỲNH hướng dẫn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây