“TRẠI TÙ” BOLLETTIERI

01/02/2015 | Thông tin hữu ích

HLV Nick Bollettieri

HLV Nick Bollettieri
Cuốn tự truyện “Open” của Andre Agassi vừa tung ra thị trường đã nhanh chóng trở thành sự kiện, là best-seller không chỉ trên thị trường nước Mỹ. Chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc một trong những phần hấp dẫn nhất của cuốn sách: đường đến quần vợt của tay vợt đã trở thành huyền thoại ...
TỰ TRUYỆN OPEN CỦA ANDRE AGASSI
 
·        ĐẾN FLORIDA
Có một ngày, cha tôi bước lại gần tôi ở trong nhà bếp và nói muốn nói chuyện với tôi. Ông bảo tôi ngồi vào ghế còn mình thì ngồi ở ghế đối diện. Trên bàn ngăn  cách chúng tôi có một cuốn sách mà mẹ tôi đang đọc dở, cuốn sách của Norman Rockwell. Rồi cha tôi kể là ông mới nghe chương trình tin tức “60 phút”, trong đó có bản tin nói về trường nội trú quần vợt ở bờ biển phía Tây Florida, gần Tampa Bay. “Đó là trường đầu tiên như thế” - Ông nói. Ý cha tôi muốn nói tới trại hè quân đội dành cho các tay vợt thiếu nhi, do cựu lính dù Nick Bollettieri tổ chức.
-                    Vậy thì sao?
-                    Con sẽ phải đi đến đó.
-                    Cái gì?
-                    Chẳng có gì giúp con tỏa sáng ở Las Vegas cả. Con đã đánh bại tất cả tay vợt ở đây cũng như tất cả chàng trai ở vùng Viễn Tây. Andre, con đã thắng tất cả những bạn đồng trang lứa, cha không thể dạy thêm con bất cứ điều gì nữa.
Cha tôi không nói thêm một lời nào nữa, nhưng chuyện đã rõ ràng: ông quyết định  dứt khoát dạy dỗ tôi theo một cách khác, chứ không muốn lập lại những sai lầm như đã làm với anh chị tôi. Ông đã thất bại trong việc huấn luyện họ khi áp dụng cường độ tập luyện quá căng thẳng và kéo dài, đấy là chưa kể trong việc huấn luyện, ông đã làm hỏng mối quan hệ giữa mình với các đứa trẻ. Chuyện  xảy ra với chị Rita của tôi thật tồi tệ khi trước đó không lâu, chị chạy theo Pancho Gonzalez, một huyền thoại quần vợt, người ít ra cũng phải lớn hơn chị tôi 30 tuổi. Cha tôi không muốn “đóng khung” tôi, không muốn phá hỏng sự nghiệp của tôi như điều đã xảy ra với các anh chị. Vì vậy ông để tôi sống xa nhà để trong chừng mực nào đó bảo vệ tôi.
“Andre, con phải sống bằng quần vợt, ăn, uống và ngủ cùng với nó. Chỉ có như thế con mới trở thành số 1 thế giới”. – Cha tôi nói vậy. Lúc đó, tôi đang sống bằng quần vợt ăn, uống và ngủ cùng với nó, nhưng cha tôi muốn tôi thực hiện điều đó ở một nơi khác.
-                    Thế chi phí học ở đó hết bao nhiêu?
-                    Khoảng 12.000USD một năm.
-                    Chúng ta không đủ tiền đâu.
-                    Con chỉ đến đó học trong 3 tháng mất có 3.000 USD thôi.
-                    Dù sao đi nữa chúng ta cũng chẳng đủ tiền.
-                    Đó là khoản đầu tư cho con, chúng ta sẽ lo liệu.
 


·        MỘT “TRẠI TÙ” NỔI DANH VỀ CHẾ ĐỘ HÀ KHẮC
Tôi chẳng muốn đi, nhưng nhìn vào mặt cha, tôi biết ông đã quyết định xong. Mọi chuyện đã kết thúc.Tôi cố tìm ra mặt tích cực của quyết định này và thấy rằng chỉ mất có 3 tháng thôi. Tôi đồng ý chuyện sao cũng được, miễn là chỉ trong 3 tháng thôi và hơn nữa, có thể chuyện cũng chẳng đến nỗi quá tệ. Có thể là ở đó cũng giống như ở Úc, biết đâu sẽ vui. không loại trừ điều đó sẽ đem lại lợi ích bất ngờ trong chuyện nào đó chẳng hạn.
-        Thế trường đó có gì? - Tôi hỏi vì lúc đó tôi đã học lớp 7 được nửa năm.
-        Ở thành phố bên cạnh có trường học, con sẽ đến đó học vào buổi sáng, sau đó tập quần vợt cho đến tối.
Nghe giống như một bản án vậy. Sau đó không lâu, mẹ kể cho tôi nghe là trong chương trình “60 phút” đó có nói về tính cách của Nick Bollettieri, người về cơ bản đang áp dụng lối huấn luyện theo cách dùng sức lao động của trẻ em. Mọi người gọi học viện của Bollettieri là trại lính, nhưng thực tế nó là trại tù nổi danh về chế độ hà khắc. Chỉ có Trời mới biết chúng tôi được nuôi bằng cái gì, lúc thì thịt hầm, lúc lại thịt đông, lúc thì cơm dường như được nấu bằng nước thịt, ngủ trên những cái giường mỏng manh được đặt cạnh nhau dọc theo tường làm bằng gỗ dán. Chúng tôi phải dậy từ lúc rạng đông và đi ngủ gần như ngay sau bữa ăn tối. Hiếm khi chúng tôi được ra khỏi trại và gần như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Giống như đa số tù nhân, chúng tôi chỉ ngủ và lao động vất vả, tất cả chỉ có thế. Lao động thật sự của chúng tôi là những bài tập không có điểm kết thúc. Chúng tôi tập cú giao bóng, lên lưới, đánh cú thuận tay, trái tay và thỉnh thoảng được đấu với nhau. Nhiều lúc chúng tôi cứ nghĩ mình là đấu sĩ được huấn luyện để tung vào đấu trường La Mã vậy. Tôi chẳng nghi ngờ gì chuyên 35 HLV, những người la hét trong khi chúng tôi thực hiện bài tập, tự cho mình là những người đốc công.
Khi không tập trên sân, chúng tôi học về tâm lý trong quần vợt. Người ta dạy chúng tôi về cách rèn luyện độ ổn định về tâm lý, về sự lạc quan và cách hình dung vấn đề. Chúng tôi học bằng cách nhắm mắt lại hình dung mình là nhà vô địch Wimbledon đang giương cao cúp vàng trên đầu. Sau đó chúng tôi đi tập Aerobic hoặc ra con đường nhớp nháp để chạy cho đến khi nào kiệt sức thì thôi...
Sức ép thường trực, sự tranh đua gay gắt, thiếu hẳn việc kiểm tra học hành từ những người lớn... những điều đó dần dần làm chúng tôi như những con vật vậy. Có một đêm, 2 chàng trai gây hấn nhau, một người da trắng, người kia đến từ châu Á. Anh da trắng buông những lời miệt thị mang tính phân biệt chủng tộc với anh châu Á rồi bỏ ra ngoài. Suốt cả tiếng, anh châu Á hết duỗi tay, duỗi chân rồi lại đấm, đá và lắc đầu liên tục. Anh ấy cứ liên tục làm những động tác như võ karatedo và khi anh da trắng quay trở lại, anh liền bay người tung một cú đá rất mạnh vào hàm anh da trắng. Điều gây sốc nhất trong tất cả câu chuyện này là chẳng ai bị đuổi cả và điều đó càng làm trầm trọng thêm bầu không khí vô chính phủ ở đây. Đấy là chưa kể chuyện 2 người khác không ưa nhau, dù không tỏ thái độ thù địch một cách rõ ràng. Điều đó được thể hiện qua những lời trêu chọc, ngay cả trong những chuyện nhỏ nhất, khi mà một người không cho thấy có sự tiến bộ trong tập luyện. Vậy là trong vài ngày, anh ấy đi tiểu vào một cái xô rồi vào giữa đêm xông thẳng vào nơi ngủ của anh kia và đổ cả xô nước tiểu vào đầu người đó.
Chúng tôi luôn có cảm giác như đang sống trong một khu rừng hoang, nơi luôn có mối đe dọa thường trực và nỗi sợ sệt có thể rơi vào bẫy bất cứ lúc nào, rồi trước khi điện bị tắt bỗng nghe văng vẳng tiếng trống. Tôi mới hỏi một người:
-                    Chuyện gì thế?
-                    Đấy là Courier. Anh ấy thích đánh trống mà cha mẹ gửi cho anh ấy.
-                    Ai?
-                    Jim Courier ở Florida

-        HỘI NGỘ CAI TÙ NICK BOLLETTIERI
Vài ngày sau, lần đầu tiên tôi có vinh dự nhìn tận mắt “người cai tù”, người sáng lập và là ông chủ của học viện Nick Bollettieri. Tôi thấy ông sải bước trên sân với bộ mặt giận dữ, quở trách một chàng trai chạy gần đó và tôi cầu nguyện để không bao giờ phải đối mặt trực tiếp với ông ấy. Tôi còn thấy ông ấy ngồi trên chiếc Ferrari màu đỏ, rồi lái xe đi và để lại đằng sau cả một đám bụi. Một chàng trai mới nói với tôi là việc lau rửa cả 4 chiếc xe hơi thể thao của Nick là công việc của chúng tôi.
Tôi đi hỏi một số thiếu niên lớn tuổi hơn cũng như những người kỳ cựu xem Nick là ai và họ nói ông ấy là người giỏi xoay xở, có thể sống thoải mái nhờ quần vợt nhưng lại không yêu thích môn thể thao này và thậm chí còn chẳng hiểu rõ về nó. Tiền là sức hút ma lực với ông ấy. Ông thi trượt vào trường không quân, bỏ học khoa luật và tình cờ trong đầu ông ấy nảy ra ý tưởng đi dạy quần vợt. Nhờ nỗ lực và những thành công ngoài dự tính, ông ấy đã tạo cho mình hình ảnh của một vĩ nhân trong quần vợt, người đào tạo ra những tay vợt xuất chúng và những nhà siêu vô địch. Nhiều người nói tôi có thể học được điều gì đó từ Nick, nhưng tôi vẫn nghĩ ông ấy chẳng thể nào giúp tôi thoát khỏi nỗi ác cảm với quần vợt.
Một lần, tôi đấu tập với một chàng trai đến từ bờ Đông và bỗng thấy Gabriel, một người giúp việc của Nick, đứng sau lưng tôi và chăm chú theo dõi trận đấu. Sau một vài đường bóng, ông ấy dừng trận đấu lại và hỏi tôi: “Nick đã có bao giờ thấy cậu thi đấu chưa?”, tôi trả lời là “Chưa, thưa ông”. Rồi ông ấy nhíu mày và bỏ đi. Sau đó một hồi, tôi nghe loa phóng thanh được gắn trên tất cả các sân ở học viện: “Andre Agassi đến sân trung tâm có mái che. Andre Agassi đến sân trung tâm có mái che ngay lập tức”. Tôi chưa bao giờ đến sân đó và không hiểu mình đã làm điều gì bậy đến nỗi phải bị gọi tên trên loa.Tôi chạy ngay đến đó và thấy Gabriel cùng Nick đang đứng cạnh nhau, chờ tôi. Gabriel nói ngay: “Anh phải xem cậu bé này đánh như thế nào”. Nick mới bước ra và Gabriel đứng đối diện tôi ở bên kia lưới. Trong khoảng nửa giờ, ông ấy cùng tôi thực hiện hàng loạt bài tập khác nhau và thỉnh thoảng, tôi ngoái lại thì thấy Nick đang ngồi vê ria mép. Rồi Nick nói: "Cậu đánh cho tôi xem cú trái tay" và tôi làm điều ông yêu cầu. Tiếp đói Nick yêu cầu tôi giao bóng vài quả lên lưới và sau cùng ông tiến lại gần tôi và nói:
-                    Đủ rồi cậu từ đâu đến?
-                    Từ Las Vegas.
-                    Cậu xếp hạng mấy quốc gia?
-                    Hạng 3.
-                    Tôi có cách nào để nói chuyện với cha cậu?
-                    Bây giờ ông đang đi làm, rồi đến tối thì làm ở xưởng phim Goldwyn Mayer.
-                    Thế còn mẹ cậu?
-                    Lúc này có thể bà đang ở nhà.
-                    Đi theo tôi.
Chúng tôi đi về văn phòng của Nick rồi ông ấy hỏi số điện thoại nhà tôi. Nick quay số điện thoại và nói chuyện với mẹ tôi và bà cho ông số điện thoại của cha tôi. Nick gọi cho cha tôi và hét vào ống nói:
-                    Ngài Agassi, Nick Bollettieri đang nói đây. Tốt tốt lắm, nghe tôi nói đây. Bây giờ tôi sẽ nói một chuyện rất quan trọng. Con của ngài có tài năng hơn bất cứ cậu bé nào đã từng học ở học viện của tôi từ trước đến nay. Tôi sẽ hướng dẫn con ngài đến hết khóa học và đưa cậu ấy lên đỉnh cao nhất.
Ông ấy nói gì thế? Tôi chỉ tập ở đây có 3 tháng thôi và sẽ về nhà sau 64 ngày nữa, tôi mới tính nhẩm.Thế mà Nick nói muốn giữ tôi ở lại đây. Sống suốt ở đây ư? Có lẽ cha tôi chẳng có tiền đâu.
Nick nói tiếp qua điện thoại:
-                    Tốt, chẳng có gì phải lo lắng cả. Tôi nhận trách nhiệm và ngài sẽ không phải trả một xu nào cả. Andre có thể ở đây miễn phí và tôi đã xé tờ cheque của ngài rồi.
Tim tôi đập thình thịch, tôi biết cha tôi không thể đứng vững khi được cho không cái gì đó. Mọi người quyết định số phận của tôi mà chẳng hỏi ý tôi.
Sau cuộc nói chuyện, Nick mới ngồi vào ghế bành và nhìn thẳng vào tôi mà chẳng giải thích điều gì, chẳng hỏi xem tôi muốn gì: ông ấy không nói gì hơn ngoài một câu: “Trở lại sân đi”.
 

Jim Courier sau này cũng trở thành tay vợt nam số 1 thế giới

Tác giả bài viết: Tín Nghĩa dịch

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây