ĐỀ CAO CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

01/02/2015 | Tin tennis

các tay vợt nử nhìn duyên dáng và tinh khôi trong váy áo màu trắng

các tay vợt nử nhìn duyên dáng và tinh khôi trong váy áo màu trắng
Trước đây, cả bốn giải Grand Slam đều diễn ra trên mặt sân cỏ, vốn là mặt sân khởi thuỷ của tennis hiện đại. Nhưng sau này, do chi phí xây dựng và bảo dưỡng đắt đỏ mặt sân cỏ không được thông dụng trên thế giới nữa. 3 giải Grand Slam còn lại đã thay đổi mặt sân. Riêng Wimbledon nói “không” với sự thay đổi này. Thậm chí, năm 2001, ban tổ chức Wimbledon đã vấp phải sự phê phán của nhiều người Anh khi họ thay đổi loại cỏ trên sân, cho phép bóng đi chậm hơn.

Kể cả khi sân trung tâm của Wimbledon được lắp mái che thì cũng có lời ra tiếng vào rằng “các tay vợt phải chạy mưa thì mới ra chất Wimbledon”. Dĩ nhiên những phản đối này thái quá, nhưng nó phản ánh một điều: người Anh không muốn những thứ quá hiện đại “xâm thực” vào tính truyền thống ở Wimbledon của họ.
Chuyện truyền thống của Wimbledon thể hiện qua việc bố trí một ngày nghỉ Chủ nhật vào giữa 2 tuần diễn ra giải, chung thuỷ với nhãn hiệu bóng Slazenger hơn 100 năm qua nhất quyết không trưng tấm biển quảng cáo nào trên sân đấu...
Rõ nét và quyết liệt nhất trong chuyện bảo tồn truyền thống của Wimbledon là việc quy tính cách ăn mặc của các tay vợt. Luật buộc họ phải mặc quần áo với màu chủ đạo là màu trắng, có thể thêm một chút gân, sọc trên quần áo, nhưng không được quá nhiều. Lôgô của các hãng trang phục đặt trên áo không được quá 4 inch vuông, chẳng thế mà có lần Adidas lôi Wimbledon ra toà án tối cao ở London để kiện về chuyện này, nhưng rồi cũng thua.
Một vài tay vợt ưa quậy đã có lần thách thức quy định ăn mặc mà họ cho rằng "chướng tai gai mắt" này. Như McEnroe, Kournikova từng vào sân với quần đen, Tatiana Golovin vào sân với quần lót đỏ năm 2007 nhưng họ đều bị ban tổ chức nhắc nhở khéo "nếu không thay đổi thì nghỉ chơi...”. Blake hay Nadal có khoe bắp tay ở đâu thì khoe, chứ đến Wimbledon thì họ cũng phải bỏ áo sát nách ở nhà.
Năm 1985, tay vợt Mỹ Anne White “trách luật” bằng cách chơi một bộ đồ áo liền quần bằng vải bóng màu trắng ra sân đấu trận vòng 1 với tay vợt đồng hương Pam Shriver. Lý luận của White là "tôi đâu dùng màu khác". Khi trận đấu đang là 1-1 sau 2 set thì trời tối, set thứ 3 quyết định được dời sang ngày hôm sau. Trước khi set này bắt đầu, trọng tài Alan Mills đã đến yêu cầu White thay trang phục thích hợp hơn. Và White phải nghe theo.



Năm 1987, siêu quậy Agassi nổi tiếng với nhưng bộ quần áo và tóc tai bụi đời đến Wimbledon thi đấu lần đầu và thua Leconte ngay ở vòng 1. Agassi đã cáu giận nói rằng anh ghét mặt sân cỏ, rằng “đây đâu phải là tennis”. Thực ra, Agassi không ghét mặt sân mà chỉ dị ứng với các quy định trang phục đối với anh là ngặt nghèo.
Nhưng năm 1992, Wimbledon chính là nơi Agassi giành chức vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của anh, sau khi đánh bại lvanisevic ở trận chung kết. Sau này trưởng thành, tính khí điềm đạm hơn, Agassi đã nói từ đáy lòng mình: đó là nơi đã dạy tôi cách tôn trọng thể thao, là nơi cho phép tôi trưởng thành như một con người”.
Quy định phải mặc đồ trắng có từ đâu? Từ trước đến nay, câu lạc bộ All England Lawn Tennis and Croquet Club (AELTC), nơi khởi thủy của Wimbledon, vốn là CLB riêng. Và quy định của CLB được thành lập năm 1868 này đối với các hội viên là phải mặc đồ trắng khi ra sân chơi. Quy định này cũng nhân rộng ra các sân tennis khác.
Đến những năm đầu 1970, các tay vợt khi thi đấu cũng đều mặc đồ trắng. Sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình màu cùng sự “quan tâm” của thời trang đến tennis đã khiến vô vàn màu sắc được "du nhập" vào sân tennis. Nhưng mặc cho thay đổi ở đâu đó, Wimbledon vẫn giữ nguyên quy định mặc đồ trắng để thể hiện sự tôn trọng với AELTC, tôn trọng với truyền thống.
Vậy thật ra tại sao là màu trắng chứ không phải màu khác? Có người nói màu trắng rất "ăn" với màu cỏ xanh mướt, không màu nào đẹp bằng màu trắng trên nền cỏ này. Rồi có người nói ngày xưa tennis là môn chơi quý tộc, mà màu trắng là màu quý tộc, (dân lao động đâu có tiền và thời gian để giữ cho đồ được trắng cả ngày) nên màu trắng là màu đại diện cho tennis. Người khác bàn, chơi tennis trên sân cỏ thì bùn đất sẽ làm bẩn quần áo, màu trắng là màu dễ giặt tẩy nhất (nếu dùng chất tẩy cho màu khác thì sẽ bị phai màu) nên dùng đồ trắng.
Tất cả các tay vợt đều chơi đồ trắng, dễ phân biệt ra họ? Trên một số diễn đàn tennis, có fan đùa cợt: "Mặc đồ như vậy rất khó phân biệt đâu là Nadal, đâu là Federer khi họ đấu với nhau. Thậm chí Federer trông cũng giống Mauresmo nữa. Dễ lầm nhất là khi Roddick và Fish đều mặc đồ trắng và đội chiếc mũ buồn tẻ". Nhưng lập tức có fan đóng sầm cửa trước những chế giễu: "Nếu không phân biệt được tay vợt nào trên sân thì tốt nhất đừng xem tennis nữa, vì tennis là hai tay vợt đứng ở phần sân khác nhau chứ không phải sân bóng, nơi có hàng chục cầu thủ của hai bên túm tụm vào nhau”.
Thực tế, hầu như chẳng có tay vợt nào cảm thảy phiền hà với màu trắng. Thậm chí họ còn háo hực đợi đến mùa sau để xem họ sẽ được mặc trang phục trắng nào. Mặt khác, trở về với truyền thống cũng là một nhu cầu trong tâm thức của mỗi người.
Còn với các hãng sản xuất trang phục, họ có bị thiệt thòi gì không ở mùa giải sân cỏ? Không nhiều, vì màu trắng vẫn là màu chiếm thị phần lớn nhất ở các môn thể thao, không riêng gì tennis. Sản xuất ra một bộ đồ trắng với các họa tiết đẹp còn dễ bán hơn là làm ra các bộ đồ mà các màu được phối không “ăn” vào nhau gì hết.

MỘT SỐ TRUYỀN THỐNG KHÁC Ở WIMBLEDON
 
·                    Cách xưng hô: Wimbledon không gọi giải đơn nữ là "Women's Singles" như các giải khác mà gọi là “Ladies's Singles", không gọi giải đơn nam là “Men's Singles" mà gọi là "Gentlemen's Singles". Khi gọi tên các tay vợt, người ta thường bắt đầu bằng Mr., Miss., Mrs., ví dụ "Mr. X còn 2 lần khiếu nại băng hình...”.
·                    Chào Hoàng gia: Khi các tay vợt tiến ra sân đấu, họ cúi đầu và nhún gối về phía khu khán đài dành riêng cho các thành viên Hoàng gia trên sân đấu để chào các thành viên Hoàng gia Anh. Năm 2003, công tước xứ Kent và là chủ tịch của AELTC, ông Edward (em họ Nữ hoàng Elizabeth II) bãi bỏ quy định này. Các tay vợt chỉ phải làm động tác chào đó khi có Nữ hoàng hoặc Hoàng tử xứ Wales (hiện là Thái tử C-harles) ngồi trên khán đài.
·                    Dâu tây và kem sữa: Ăn một hộp dâu tây trộn với kem sữa được coi là “nghĩa vụ” đối với mỗi khán giả. Mỗi hộp có giá 4 USD.
·                    Nghỉ ngày Chủ nhật: Wimbledon chỉ thi đấu 13 ngày, nghỉ ngày chủ nhật giữa 2 tuần đấu. Có 3 lần, ngày chủ nhật này bị trưng dụng ra để thi đấu vì mưa làm quá nhiều trận đấu bị “tồn đọng” lại.

Tác giả bài viết: Tín Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây