Huyền thoại Võ Văn Bảy
15/11/2014 | Tin tennis
Huyền thoại Võ Văn Bảy
Võ Văn Bảy (1931-2002) là một tay vợt nổi tiếng của Việt Nam.
Ông sinh ngày 18 tháng 7 năm 1931 tại Vĩnh Long [1]. Năm 21 tuổi, Võ Văn Bảy lên Sài Gòn và bắt đầu chơi tại sân quần vợt Nhà máy rượu Bình Tây. Năm 1954, ông đoạt chức vô địch lần đầu tiên ở đây và giữ vững cho đến 1984.
Năm 1954, ông dự giải Vô Địch Quần Vợt Pháp Roland Garros nhưng bị loại ở vòng đầu (thua Vieira của Brasil 6-0, 6-1, 6-4). Cho tới nay, có lẽ ông là tay quần vợt Việt Nam duy nhất đã được tham dự một giải đơn Grand Slam quần vợt.
Tháng 1 năm 1959, tại giải Đại hội Thể thao Đông Nam Á tại Bangkok, ông Bảy đã thắng tay vợt Thái Lan là Seri C-haruchinda ở chung kết, để đoạt chiếc huy chương vàng (đơn nam) đầu tiên cho quần vợt Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1959 đến 1973, đội Việt Nam liên tiếp thắng 7 lần huy chương vàng đôi nam quần vợt tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEAP Games) thì 6 lần đã do sự góp sức của ông.
Ông cùng với người em trai Võ Văn Thành đã đại diện Việt Nam tham dự nhiều giải quần vợt quốc tế trong thập niên 1960-1970. Ông tranh giải Cúp Davis trong những năm 1964-1974 với thành tích 20 trận thắng và 15 trận thua. Kết quả tốt nhất là vào chung kết Vùng Đông B (Eastern Zone B) vào tháng 4, 1964 .Trong vòng chung kết này (chơi tại Sài Gòn) ông đã thua một trận đơn nam sát nút với tay vợt Ấn Độ nổi tiếng thời ấy là Jaidip Mukerjea với tỉ số 7-5, 6-4, 4-6, 4-6, 6-3 . Jaidip Mukerjea đã từng hạ những tay quần vợt khét tiếng của Úc là John Newcombe và Tony Roche (sau này là huấn luyện viên của danh thủ Roger Federer).
Ông cùng Lưu Hoàng Đức đoạt huy chương bạc quần vợt đôi nam năm 1966 tại Á Vận Hội ở Bangkok [5].
Ông mất năm 2002 tại Việt Nam vì bệnh ung thư thanh quản
Võ Văn Bảy sinh ngày 18-7-1931 tại Vĩnh Long. Cũng như phần lớn các nhà vô địch quần vợt VN khác, ông xuất thân từ một cậu bé lượm banh, tranh thủ những lúc các ông chủ nghỉ ngơi thì mượn vợt ra dượt vài đường. Thế rồi, quần vợt len lỏi ăn vào máu lúc nào không hay.
Năm 21 tuổi, Võ Văn Bảy lần mò lên Sài thành hoa lệ và đóng đô tại sân quần vợt Nhà máy rượu Bình Tây. Năm 1954, ông đoạt chức vô địch lần đầu tiên và giữ vững cho đến 1984. Thật ra cũng có một hai năm Võ Văn Thành đoạt được chức vô địch, nhưng điều đó chẳng làm lu mờ vị trí độc tôn của ông Bảy suốt 30 năm trời.
Những trận đấu làm nên huyền thoại Võ Văn Bảy :
Năm 1969, sau sự kiện Võ Văn Thành đoạt HCV đơn nam SEAP Games, Liên đoàn Quần vợt Mỹ có tặng cho Sài Gòn một suất học bổng vừa đi học vừa thi đấu hai tháng tại Mỹ. Ông xin được nhận suất ấy và đã nhận được câu trả lời phũ phàng từ Tổng cuộc Quần vợt Sài Gòn: “Già rồi, hãy nhường cho lớp trẻ”!
Như bản tính cố hữu của mình, ông ngậm tăm không nói lại một lời. Nhưng trên sân bóng năm ấy, Bảy như một cơn đại hồng thủy cuốn phăng mọi chướng ngại. Một tay vợt trẻ đang lên, đáng tuổi con ông là Dương Văn Minh đã bị ông quật ngã 3-0 chóng vánh. Vào chung kết, Võ Văn Thành cũng cùng chung số phận.
Nhưng khiếp nhất là chiến thắng tại giải quốc tế Malaysia 1969 (một giải quần vợt quốc tế truyền thống, rất có uy tín, mở rộng ra ngoài khu vực Đông Nam Á). Với giải này, vào bán kết là Bảy, Thành và hai tay vợt trẻ đang lên của Úc.
Ở trận bán kết 1, Elwyn McCabe 20 tuổi hạ Thành dễ dàng. Còn Syd Ball 19 tuổi thì thúc thủ trước Bảy với gấp đôi tuổi mình. Vào chung kết, chẳng ai tin được Bảy chiến thắng vì McCabe quá sung mãn, là tay vợt trẻ đang lên của Úc - một cường quốc quần vợt thế giới lúc bấy giờ. Vậy mà lão tướng 38 tuổi với những cú đờmi vôlê sở trường, những cú xỉa hai nách khôn ngoan đã làm cho “chú chuột túi” bở hơi tai, giành chiến thắng ván đầu 6-4.
Bước vào ván hai, Bảy đang dẫn 2-1 thì McCabe ném vợt bỏ ra ngoài sân, vừa đi vừa có cử chỉ khiếm nhã với khán giả. Lý do, chàng trai trẻ không kìm được cơn nóng giận do bất lực trước ông già, đã vậy lại còn bị khán giả chọc do liên tục phải chạy qua chạy lại để đỡ những đường bóng hiểm của Bảy.
Khán giả Malaysia không chỉ ủng hộ Bảy vì tình đồng hương khu vực Đông Nam Á, vì ông lớn tuổi, tài nghệ độc đáo, mà còn vì một hành động hết sức mã thượng ở đầu trận. Số là ngay quả đầu tiên, McCabe đánh bóng tốt nhưng trọng tài lại cho rằng ra ngoài. Lập tức ở đường bóng thứ hai, Bảy chủ động nâng bóng cho McCabe... dứt điểm gỡ 15-15!
Phải mất đến hơn nửa giờ, ban tổ chức mới thuyết phục được McCabe... trở lại thi đấu. Lúc ấy, Bảy với tính điềm tĩnh cố hữu, ung dung ngồi không nói không rằng, đã thủng thẳng trả lời: “Theo luật, tự ý ngưng thi đấu hơn nửa giờ là thua”. Ban tổ chức không còn cách nào khác phải xử McCabe thua trận.
Chiến thắng này đã giúp Bảy, 38 tuổi, qua mặt luôn cả “thần đồng” Trương Kim Hùng - tay đua vừa chiến thắng lẫy lừng tại SEAP Games 1969 mới 18 tuổi, ở cuộc bầu chọn lực sĩ số một năm ấy.
Đầu năm 1970, đội tuyển Mỹ dự Davis Cup ghé sang Sài Gòn thi đấu giao hữu. Mặc dù Bảy, Thành không thắng được trận nào, nhưng Ashe - tay vợt hàng đầu của đội Mỹ - sau chiến thắng 2-0 (7-5, 6-4) trước Bảy đã phải thốt lên: “Tôi không thể ngờ với tuổi tác ấy mà ông ta thi đấu ngoan cường như vậy”!
Ba tháng sau, đội tuyển Sài Gòn gặp Indonesia ở khuôn khổ Davis Cup. Lúc bấy giờ, Indonesia là quốc gia mạnh nhất khu vực về quần vợt. Họ đưa sang ba tay vợt, mà người già nhất là Sutarjo cũng nhỏ hơn Bảy 6 tuổi. Nhưng chủ lực là Widjojo nhỏ hơn Bảy 15 tuổi và Wijono nhỏ hơn 20 tuổi. Indonesia đầu tư rất mạnh cho hai tay vợt trẻ này bằng cách tạo điều kiện cho thi đấu quốc tế liên tục tại Mỹ, Úc, châu Âu.
Họ đã đến Sài Gòn với một tâm trạng thoải mái, tự tin vào chiến thắng. Thế nhưng, kết quả cuối cùng là tuyển Sài Gòn thắng 4-1. Trận thua duy nhất là của Thành trước Wijono 2-3 ngay khi mở đầu.
Tiếp theo, một mình Bảy hạ cả hai niềm hi vọng của Indonesia, trong đó trận thắng Wijojo được gọi là “tàn nhẫn”, vì ông chỉ cho tay vợt số một của khách có hai ván “về xe” (6-0, 6-1, 6-1)! Chiến thắng thứ ba là một trận đánh đôi, và cuối cùng, khi khách đã hoàn toàn mất tinh thần, Thành dễ dàng đặt dấu chấm hết bằng thắng lợi 2-0 trước Widjojo.
Năm 1971, Bảy đã bước vào tuổi tứ tuần. Gương mặt vốn đã khắc khổ nay còn khắc khổ hơn với gánh nặng gia đình (bảy người con). Tóc đã bắt đầu bạc. Mặt tràn những nếp nhăn. Nhưng ông vẫn là tay vợt chủ lực của đội tuyển Sài Gòn khi tiếp đội Nhật đến thi đấu tại Xẹc Tây (Cung văn hoá Lao động bây giờ). Ông đã kỷ niệm sinh nhật tuổi 40 bằng một chiến thắng rúng động trước đương kim vô địch châu Á - Sakai 25 tuổi với tỉ số 2-1!
Năm 1984, 53 tuổi nhưng ông Bảy vẫn là tay vợt chủ lực của VN. Nguyễn Văn Long khi ấy mới chưa đầy 30 tuổi, đang rất sung mãn, nhiều lần lăm le soán ngôi ông nhưng bất thành.
Chính vì vậy, khi đoàn quần vợt Tiệp Khắc sang thi đấu giao hữu, ông vẫn là cây vợt chủ lực và tiếp tục cho khách - toàn là những đấu thủ có hạng của Tiệp, trẻ khỏe - biết thế nào là gừng già VN! Sau chuyến ấy, lớp VĐV trẻ quần vợt VN rên xiết: “Cậu Bảy mà còn đứng trên sân là tụi con còn xếp phía sau dài dài”! Mủi lòng, ông quyết định giã từ sân ximăng!
Thật lạ, sau khi chính thức gác vợt, sức khỏe ông lại suy sụp thật nhanh. Có vẻ như với chiếc vợt trong tay, thời gian chẳng làm gì được ông, nhưng khi rời vợt ông trở thành một người bình thường, không thoát khỏi cái qui luật tạo hóa “sinh - lão - bệnh - tử”! Năm 2002, ông đã chính thức gục ngã trước đối thủ lớn nhất của mình - thời gian, ra đi ở tuổi 71 vì căn bệnh ung thư thanh quản.
Nguồn tin: vietbao