Serena trở lại Indian Wells: Hơn cả cuộc cách mạng hòa bình

11/02/2015 | Tin tennis

Serena trở lại Indian Wells: Hơn cả cuộc cách mạng hòa bình

Serena trở lại Indian Wells: Hơn cả cuộc cách mạng hòa bình
Quyết định tái xuất của Serena Williams tại Indian Wells sau 14 năm mở ra tín hiệu xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc trong quần vợt nói riêng và thể thao thế giới nói chung.

Quá khứ buồn tại quê nhà

“Bạn không thể tạo nên thành tựu đặc biệt nếu chỉ đứng trên khán đài. Từ rất sớm tôi đã nhận thức được điều đó. Bạn làm hết thảy mọi thứ khi bạn tin đó là điều đúng đắn. Bạn cũng làm tất cả mọi thứ bởi bạn không thể đứng yên chờ đợi những điều đó tự đến với mình. Tóm lại, những gì bạn dốc sức thực hiện bởi vì ở một vài nơi trên thế giới có những người muốn được ngắm nhìn bạn”.

Đó là tâm sự của Serena Williams trong cuốn tự truyện On the line của cô xuất bản năm 2009. Trong cuốn sách này, Serena đưa ra những giải thích về việc cô cũng như chị gái Venus vì sao lại nói không với Indian Wells trong cả một thập kỷ vừa qua. Vị trí số một hiện tại của Serena có được ngày hôm nay một phần được thúc đẩy bởi điều đáng buồn diễn ra ở Indian Wellls năm 2001, nó đã kích thích cô chiến đấu vì một ý nghĩa sâu sắc hơn cả những chiến thắng đơn thuần. Như một phần quá khứ của chị em nhà Williams, dù đã 14 năm trôi qua, Serena vẫn chưa bao giờ thôi quên về thời khắc tồi tệ ấy.

Năm đó, Serena và Venus đối đầu nhau trong trận bán kết nhưng trong thời gian khởi động, Venus đã chủ động rút lui vì lý do chấn thương. Từ đó, ông Ric-hard – bố của hai chị em - đã bị cáo buộc đã tính toán, sắp xếp để đưa Serena vào đánh trận chung kết với Kim Clijsters. Khán giả tại Indian Wells thời điểm ấy đã vô cùng tức giận, la ó kể từ đó đến cả trận chung kết. Nhưng thực tế, cô em nhà Williams đã giành chiến thắng. Theo Serena và bố của cô, những lời miệt thị phần lớn đến từ những khán giả là người da trắng.

anh-2-9580-1423643583.jpg

Chị em nhà Williams bị tố cáo dàn xếp việc rút lui trong trận bán kết Indian Wells năm 2001.

Serena biết rằng, cô không phải là người đầu tiên phải hứng chịu sự kỳ thị mà những huyền thoại quần vợt người Mỹ gốc Phi đi trước như Arthur Ashe hay Althea Gibson cũng từng trở thành nạn nhân. Qua thời gian, khi đủ trưởng thành để nhìn nhận mọi việc, Serena nhìn lại và thấy mình cần phải cố gắng để tiếp bước những huyền thoại trên hơn là việc ngồi đó ủ dột với quá khứ đáng quên. Không những Serena, con số vận động viên thể thao thành đạt, dù từng trải qua cảm giác bị phân biệt chủng tộc, ngày càng tăng lên.

“Tôi nhìn ngắm hình ảnh của mình ở giải đấu đó, một gương mặt hồn nhiên và luôn phấn khích với điệu nhảy Puma ở lứa tuổi 19. Trông tôi lúc đó dễ thương làm sao! Vậy mà chưa biết thực hư thế nào mọi người đã chỉ trích tôi, tôi chỉ là một đứa trẻ thôi, và phải nhận đầy rẫy những lời chỉ trích nhắm vào mình. Cảm giác đó với một cô gái chưa bước qua tuổi đôi mươi thật tồi tệ. Bạn sẽ biện minh như thế nào nếu cứ liên tục nói rằng con bé đó thật tệ?”

“Mười ba năm và sự nghiệp quần vợt sau đó, mọi thứ đã khác đi nhiều. Vài tháng trước, khi Chủ tịch quần vợt Nga phát ngôn có tính chất xúc phạm giới tính và phân biệt chủng tộc với chị em tôi, WTA và USTA ngay lập tức đã vào cuộc và lên án hành động của ông. Nó làm tôi nhớ đến khoảng cách mà thể thao đã tạo ra trước đó, nhưng theo thời gian tôi cũng đã khỏa lấp được điều đó”, Serena chia sẻ trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2014 về những thay đổi tích cực sau biến cố năm 2001 tại Indian Wells giúp cô có được chỗ đứng như hiện nay.

Việc trở lại Indian Wells sau 14 năm được xem là động thái làm lành của gia đình Williams cũng như những nhà tổ chức giải đấu này. “Indian Wells là phần mấu chốt trong câu chuyện của tôi và tôi cũng là một phần trong câu chuyện ở mùa giải đó mỗi khi kể đến. Nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có cơ hội để viết nên một kết thúc khác tốt đẹp hơn”. Với Serena, việc góp mặt tại Indian Wells như được trở về nhà, bởi Nam California cũng chính là nơi cô sinh ra và lớn lên.

Hướng đến hiện tại tốt đẹp

Lúc này, đã hơn mười năm sau, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt về phía Serena. Ở Australia, cô đã nói rất nhiều về sự may mắn của mình trong sự nghiệp và cảm thấy hào hứng để tận hưởng khoảng thời gian này. Trong bài phỏng vấn của tờ Time, cô cũng đề cập: “Tôi may mắn vì đã có những điểm đánh dấu bước ngoặc trong sự nghiệp, đó là điều mà tôi không thể làm được tại quê nhà của mình”.  

anh-1-3957-1423643584.jpg

Cú sốc đầu đời đã thúc đẩy Serena Williams chinh phục các giải đấu và trở lại California tại mùa giải 2015 với cái nhìn khác.

 

Chúng ta có thể thấy sự chuyển biến tích cực trong những mối quan hệ giữa Serena với cộng đồng, đặc biệt đối với cô bạn thân Caroline Wozniacki. Hay Venus Williams lúc này cũng đã già dặn hơn rất nhiều và trở thành đối thủ ngang ngửa với cô em. Qua đó, cả hai muốn chứng minh với tất cả rằng là người Mỹ gốc Phi nhưng họ vẫn có thể cống hiến một tinh thần thể thao cao thượng, trong sạch.

Chính vì vậy, thay vì tiếp tục tẩy chay giải đấu, Serena đã quyết định quay trở lại để dẹp bỏ vết hằn của mối quan hệ này trong êm đẹp. “Bạn có thể từng nhắm thẳng vào cô gái da đen nhỏ tuổi ngày xưa để đưa ra quan điểm của mình và cũng có thể bằng những cách khác nhau bạn so sánh họ với những cô gái da đen khác”. Nhưng phần còn lại của chị em nhà Williams chính là làm thay đổi mọi thứ để có cái nhìn tốt đẹp hơn. Bất kỳ cuộc xung đột sắc tộc nào diễn ra đều đã là những điều thuộc về quá khứ của đất nước, và lúc này những cố gắng của họ nhắm tới mục tiêu duy nhất: luôn xuất hiện ở sân đấu trung tâm. Hôm nay, Serena đã ở đây và chính thức nói lên rằng, dù chỉ là trên sân quần vợt thì cô ấy cũng mong muốn một điều gì đó tốt đẹp hơn.

Trân Trần


Nguồn tin: Vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây