TẬP CÙNG ROD LAVER

23/01/2015 | Thông tin hữu ích

TẬP CÙNG ROD LAVER

Rất lâu trước khi cho ra đời các học viện tennis của mình, Harry Hopman là tay vợt huyền thoại. Ông còn giúp tuyển Davis Cup Australia vô địch 15 lần từ năm 1950 đến 1967. Và giờ đây, một trong những học trò xuất sắc của Hopman, huyền thoại Rod Laver sẽ chia sẻ những bài tập mà ông từng được thọ giáo để trở thành nhà vô địch.

Theo Rod Laver, ai cũng có thể tìm ra các bài tập cho riêng mình. Song, đối với một nhà vô địch, không phải bài tập nào cũng có thể đem đến thành công. Đó phải là những bài tập có trọng điểm và cường độ cao nhằm chuẩn bị cho VĐV khả năng đương đầu với các thử thách khắc nghiệt trong một trận đấu.
Một trong những bài tập chủ yếu mà Rod Laver hay tập là "2 đánh 1 " (tức 2 người thi đấu với 1 người), một bài tập không còn được thấy nhiều hiện nay. Đây được xem như là bài tập hiệu quả nhất đối với các tay vợt. Bởi với đối thủ là 2 tay vợt bên kia lưới, tất cả các cú đánh của tay vợt "đánh đơn" đều sẽ được đánh trả lại theo nhiều góc độ khác nhau. Điều  này giúp các đường bóng kéo dài hơn, đem đến cho tay vợt "đánh đơn" cơ hội đánh nhiều bóng hơn cũng như vận động cơ thể ở cường độ cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trước khi ra sân tập bài "2 đánh 1 " này, người tập cần lưu ý một số điều. Thứ nhất, cả ba người tham gia bài tập phải đem theo nhiều bóng trong túi quần để buổi tập ít bị gián đoạn mỗi khi ai đó đánh hỏng hoặc có cú đánh thắng điểm. Quan trọng là buổi tập phải diễn ra liên tục với tốc độ nhanh.
Kế đến, thay vì đánh bóng thắng, cả ba người tập nên tập trung vào việc điều bóng đi chính xác theo hướng mình mong muốn. Hai tay vợt phía bên kia lưới cần phải đảm bảo đưa càng nhiều bóng cho tay vợt "đơn" càng tốt. Và tay vợt "đơn" không nên sa đà vào đánh lực mà nên cố gắng đánh bền bóng.
Cuối cùng, cần nhớ khi đóng vai trò là tay vợt "đơn", người tập đừng nên nghĩ sẽ cầm cự được lâu trong phiên tập của mình. Để bắt đầu, tốt nhất mỗi tay đánh "đơn" chỉ nên đóng vai trong 5 phút. Khi sức bền đã tốt hơn, người tập sẽ không đổi lượt mà sẽ theo bài tập cho đến khi cảm thấy mệt.
Đây là 4 bước Rod Laver đề xuất trong bài tập “2 đánh 1” nhằm cải thiện lối chơi cho bất kỳ tay vợt nào.
·        Bước l: Cả 3 tay vợt đứng ở cuối sân
Cách này có thể xem như bài khởi động với cả 3 tay vợt đứng ở vạch cuối sân và cố gắng đánh bóng đều tay và sâu về 2 góc cuối sân.
Như trên đã nói, 2 tay vợt "quân xanh" không phải tung ra những đường bóng nhằm kiếm điểm thắng. Nhiệm vụ của họ là phải thúc ép tay vợt "đánh đơn" di chuyển liên tục và tung ra hàng loạt cú đánh ổn định cũng như có điểm rơi tốt. Để làm được điều này, tay vợt "đánh đơn" nên đánh bóng dọc biên còn hai tay vợt bên kia lưới đánh chéo sân hoặc ngược lại. Hình thức này đảm bảo cả 3 tay vợt có khối lượng vận động cao và rèn luyện khả năng chuyển hướng bóng. Một vòng tập bước này sẽ kết thúc sau khi cả 3 tay vợt đều có 5 phút luân phiên đóng vai trò "đánh đơn".
Trong thời gian Rod Laver còn thi đấu, bước tập này không chiếm nhiều thời gian vì thời đó phong cách thi đấu thường là lên lưới chứ không phải tấn công từ cuối sân. Song, trong tennis hiện đại, có rất nhiều tay vợt tấn công cuối sân nên bước tập này ngày càng trở nên quan trọng.
·        Bước 2: "Quân xanh" trên lưới, "quân đỏ" cuối sân
Đây là phần tập rất thử thách cho tay vợt "đánh đơn". 2 tay vợt "quân xanh" trên lưới chủ yếu phải ép tay vợt còn lại di chuyển thật nhiều giữa 2 góc cuối sân chứ không phải dứt điểm mỗi khi có khoảng trống lộ ra. Bước này chẳng những giúp tay vợt "đánh đơn" cải thiện khả năng di chuyển và đánh bóng ở các vị trí khó mà còn giúp 2 tay vợt kia rèn khả năng bắt volley.
Riêng đối với tay vợt "đánh đơn", anh ta sẽ có quyền dứt điểm các pha bóng của mình khi thấy thuận lợi. Bởi đó là cách giúp anh ấy hoàn thiện các cú đánh xuyên phá, các cú lốp topspin (xoáy) hoặc dứt điểm các đường bóng ngắn.
Bước này, mỗi tay vợt cũng sẽ thay phiên nhau đứng cuối sân trong 5 phút.
·        Bước 3: "Quân xanh" cuối sân, "quân đỏ" trên lưới
Một mình trên lưới đối chọi lại 2 đối thủ chơi sân là bài tập tốt để hoàn thiện khả năng kiểm soát bóng trên lưới cũng như phần sân gần lưới. Bài tập bắt đầu bằng các cú đánh chìm của các tay vợt cuối sân rồi sau đó chuyển dần sang các cú lốp bóng.
Các cú lốp bóng không nhất thiết phải quá hiểm và 2 tay vợt cuối sân nên để cho tay vợt trên lưới có cơ hội thực hiện những cú smash. Ngay sau các cú smash, tay vợt "đánh đơn " phải lập tức trở lại vị trí bắt volley để chờ đường bóng kế tiếp. Điều này giúp VĐV học được thói quen quay trở lại vị trí lên lưới sau khi đập bóng.
·        Bước 4: Cả 3 tay vợt cùng lên lưới
Bài tập này giống như một cuộc song đấu bắt volley và nên diễn ra với tốc độ nhanh. Sau một vài đường bóng nhẹ để bắt nhịp, cả đôi bên bắt đầu cố gắng đánh bóng càng mạnh càng tốt mà không phải để tâm đến chuyện kiểm soát bóng. Tay vợt "đơn" trên lưới nên cố gắng đưa bóng đều qua cho cả hai tay vợt phía bên kia. Cụ thể, đánh 1 hoặc 2 cú cho người bên trái rồi chuyền sang bên phải. Bằng cách này, VĐV sẽ rèn được khả năng kiểm soát hướng bóng dù bóng đến từ nhiều góc khác nhau.
Đổi lại, 2 tay vợt trên lưới phía đối diện phải có những cú đánh trả khiến tay vợt "đơn" phải sử dụng cả các cú volley forehand và backhand. Như vậy, VĐV sẽ học được thói quen giữ vợt ở phía trước khi bắt volley.
Ở bài tập này, cả 3 tay vợt cũng luân phiên đóng vai trò "đánh đơn" trong 5 phút.

Tác giả bài viết: Tín Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây