Cách chọn gìay thi đấu tennis (phần 1)
Một đôi giày không vừa có thể dễ dàng dẫn tới những vết phồng rộp trên da, đau mắt cá chân và đầu gối, đồng thời hạn chế khả năng di chuyển của bạn. Khi chọn giày, bạn cần chú ý đến những điều dưới đây.
Chân bạn thuộc kiểu gì?
Bước đầu tiên trong việc tìm một đôi giày phù hợp là cần phải biết bàn chân của bạn thuộc loại nào. Có ba kiểu chân cơ bản và bạn có thể dễ dàng tự phân loại bằng một cách rất đơn giản.
Hãy nhúng bàn chân vào nước, sau đó giẫm thẳng xuống đất, tốt nhất là sàn xi măng để dễ dàng quan sát vết chân. Nếu nhìn thấy vết chân lõm, tương tự hình trăng lưỡi liềm, bạn có thể kết luận bàn chân của bạn tương đối mỏng, lại to ngang. Những người sở hữu bàn chân này cần một đôi giầy tương đối thoải mái ở phần mũi và sự thoải mái cho các ngón chân. Bạn cũng cần phải có thêm miếng lót phụ để đệm cho chỗ chân lõm.
Trong trường hợp, vết chân mà bạn để lại trên mặt sàn là một bàn chân đầy đặn, không bị lõm, có nghĩa là bàn chân của bạn bẹt, dày và phẳng. Những người có kiểu chân này thường cần một sự hỗ trợ đặc biệt từ những đôi giày mà họ đi. Một đôi giày được may và dán khéo ở hai bên hông là sự lựa chọn thông minh.
Nếu bạn là một trong số ít người có hình dáng bàn chân là sự kết hợp của cả hai kiểu đã nói ở trên, không quá mỏng, cũng không đầy đặn, có thể coi bạn là người may mắn trong việc chọn giày. Bởi những người sở hữu bàn chân kiểu này có thể sử dụng hầu như bất kỳ loại giày nào.
Hiểu được thiết kế của từng đôi giày
Một khi đã hiểu được kiểu chân của mình, bạn cần có bước tiếp theo là hiểu được thiết kế của mỗi đôi giày mà qua đó, bạn có thể chọn được một đôi phù hợp nhất để có những trận đấu hiệu quả nhất. Có bốn phần của đôi giày mà bạn cần quan tâm.
Phần mũi giày: Phần đầu của mỗi đôi giày, hay còn gọi là mũi giày thường được làm từ da thật, da tổng hợp hoặc kết hợp của cả hai chất liệu. Khi bạn thử một đôi giày, hãy chắc chắn rằng phần mũi giày thật sự thoải mái và không quá chật. Nếu bạn thường kiễng chân khi giao bóng, hãy chú ý đến một mũi giày có độ bền cao.
Phần đế trong: Đây chính là phần mà toàn bộ bàn chân của bạn đặt lên, nhưng lại không ảnh hưởng tới khả năng vận động. Nếu bạn có những vấn đề về bàn chân, hãy kiểm tra xem liệu phần đế trong có thể tháo rời được hay không. Trong những trường hợp đã cũ, phần đế này phải được thay bằng cái mới, có khả năng cung cấp phần đệm tốt hơn.
Phần thân giày: Phần thân giày thường được làm từ nhựa tổng hợp hoặc các vật liệu hoá học khác. Đây là phần đệm giữa bàn chân và mặt giày. Với những tay vợt chơi hai hoặc ba ngày một tuần, phần thân giày thường hỏng sau 5 hoặc 6 tháng. Còn với những tay vợt thi đấu thường xuyên hơn hoặc vận động mạnh hơn, phần thân giày sẽ hỏng nhanh hơn. Khi bạn cảm thấy không được hỗ trợ lực đệm như khi đôi giày còn mới, tức là phần thân đã không thể dùng được nữa và bạn cần mua một đôi giày khác.
Đế ngoài: Đây chính là phần giày chạm mặt sân. Thiết kế của đế ngoài sẽ ảnh hưởng tới lực kéo mà bạn sẽ phải tạo ra khi thi đấu trên mặt sân cứng và sân đất nện. Nếu bạn chơi thường xuyên, nên tìm mua những đôi giày có bảo hành cho phần đế ngoài. Nếu không, bạn có thể gửi trả lợi cho nhà sản xuất để yêu cầu họ thay thế.
Tác giả bài viết: H.L. (theo Tennis Magazine)
Nguồn tin: Vnexpress